Dưới đây là những chia sẻ từ một bác sĩ về tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Việt Nam; cũng như suy nghĩ, thái độ của chính bác sĩ trong giai đoạn vô cùng phức tạp này.
1. Xin mỗi chúng ta hãy hành động!
Mỗi sáng mai chúng ta mở tin tức ra đọc thấy những con số dương tính cứ tăng dần lên, hôm nay mới hơn 50, ngày mai đã lên 65 rồi ngày kia lên 90 v.v. Anh Chị ơi, nhưng con số đó chúng ta chỉ nên nhìn nhận theo khía cạnh chính quyền & Bộ Y tế đã phát hiện ra và đang được cách ly điều trị. Còn con số thực sự người nhiễm trong cộng đồng hiện nay có thể sẽ cao hơn rất nhiều. Vì sao lại như vậy?
Kính thưa anh chị, một lượng lớn người nước ngoài từ những vùng dịch đã đến Việt Nam & nhập cảnh có thể đang mang trong mình mầm bệnh nhưng đang ở giai đoạn ủ bệnh, việc kiểm tra bằng hệ thống nhiệt hay khai báo y tế cũng chỉ có thể kiểm soát phần nào các trường hợp. Cũng với tình cảnh trên, người dân hồi hương về nước cũng vậy, dù chúng ta đã có chương trình cách ly nhưng chỉ có thể hạn chế mà thôi, không thể sàng lọc một cách tuyệt đối được. Ngoài ra, trong số hơn 140 người dương tính hiện nay, đâu có phải họ nhiễm virus là dương tính ngay, vậy nên trước khi chúng ta có kết quả kiểm tra dương tính thì số lượng người tiếp xúc & lây lan của những người này cũng đã rất cao rồi. Thêm điều nữa, có rất nhiều người sẽ có kết quả âm tính giả hoặc bị nhiễm virus Vũ Hán nhưng cơ thể tự chữa khỏi được, tuy nhiên chính hai nhóm người này sẽ là những nhân tố lây lan rất lớn trong cộng đồng. Hôm nay bác sĩ có xem hình ảnh cắt lớp phổi từ một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chia sẻ.
Bạn ấy thông tin rằng tổn thương phổi rất đặc trưng của viêm phổi Vũ Hán trên nền bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp, tuy nhiên người đó lại có kết quả âm tính. Hoặc bác sĩ đọc bài chia sẻ từ giáo sư Nguyễn Tuấn, là một nhà khoa học y khoa chuyên về dịch tễ học & di truyền loãng xương tại đại học Garvan, Úc. Ông phân tích về hệ số lây lan (R0) trong cộng đồng. Bác sĩ chia sẻ vậy để mỗi người chúng ta hiểu được rằng với bệnh lý truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh nhỏ bé vô cùng, bằng mắt thường không thể nhìn thấy được nhưng lại âm thầm lan truyền & lây nhiễm, đến một mức nào đó nó sẽ bùng nổ với hàng ngàn ca bệnh lâm sàng nếu mỗi chúng ta không ý thức tự cách ly lúc này. Câu chuyện Vũ Hán, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ… và rất nhiều nước phát triển khác đã và đang diễn ra là minh chứng cho điều này. Họ đang chứng kiến rất nhiều người nhập viện, suy hô hấp, tử vong mỗi ngày.
2. Vậy mỗi chúng ta cần làm gì bây giờ?
Giai đoạn lây nhiễm cao như hiện nay, bác sĩ xin mỗi người dân hãy:
Cư xử với người đối diện mình như thể rằng người đó đang nhiễm bệnh, có như vậy mỗi chúng ta mới có thể thực hành dự phòng lây nhiễm quyết liệt và làm đứt gãy quá trình lây lan dịch bệnh được. Đọc thông tin bệnh nhân số bao nhiêu đó đã đi những đâu, gặp những ai… với bác sĩ lúc này không còn ý nghĩa nữa vì với Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đang là rất cao. Chúng ta không nên dựa theo những địa điểm di chuyển của người bệnh ở trên mà tự huyễn hoặc mình không đi qua vùng đó hay không tiếp xúc thời gian đó, anh chị ạ. Giữ khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang, không bắt tay nhau, không dùng chung vật dụng, sau tiếp xúc nên rửa tay ngay… là những việc nên làm.
Cách ly nghiêm ngặt toàn quốc 21 ngày tới là điều cần thiết. Hiện nay Thế giới đang phong toả - giới nghiêm cỡ 1/3 dân số (~ 2,5 tỷ dân), không phải ngẫu nhiên mà hơn 65 nước đang áp dụng điều đó. Thủ tướng Ấn Độ quyết định mỗi người tự cách ly ở nhà 21 ngày với hơn 1 tỷ dân. Các nước Pháp, Đức... phạt rất nặng khi người dân tự ý ra ngoài, ở Nga bỏ tù 5 năm. Tất cả cho chúng ta thấy, cách giải quyết tốt nhất khi dịch đã lan rộng là cách ly nghiêm ngặt, không cho chúng có cơ hội lây lan & bùng phát để giảm hệ số lây lan, có như vậy mới mong kiểm soát được dịch. Mà việc này cần phải làm ngay, vì mọi sự chậm trễ sẽ khiến chúng ta mất đi cơ hội cứu vãn. Với tình hình dịch của đất nước ta hiện nay, đây cũng chính là giải pháp mang tính quyết định. Các doanh nghiệp, công ty… nếu được xin hãy làm online, nếu không thể thì xin hãy tạm dừng giai đoạn này. Vì không như ung thư, không như tai nạn… ai bị người đó lĩnh, mà với bệnh truyền nhiễm, khi một nhân viên mắc, để có kết quả xét nghiệm dương tính, có thể đã có rất nhiều người trong công ty lây nhiễm, trong đó hoàn toàn không loại trừ cả chính mình.
Chúng ta không thể kiểm soát được người khác đã đi những đâu, tiếp xúc những ai… trước khi đến gặp mình. Nên cách tốt nhất là không giao tiếp với ai thời gian này. Chúng ta chấp nhận lùi một bước, chấp nhận thua lỗ, chấp nhận khó khăn trong thời gian này còn hơn có thể phải đánh đổi cả mạng sống, đánh đổi cả nhiều năm trời sau đó không thể thoát ra được dịch bệnh.
Mỗi chúng ta hãy luôn thực hành đeo khẩu trang khi tiếp xúc và hãy giặt nó sau mỗi ngày, ngày mới dùng cái khác luân phiên nhau, tuyệt đối không được dùng lại khẩu trang của ngày hôm qua mà chưa giặt. Kết hợp rửa tay thường xuyên & đúng cách, không cho tay lên mặt, súc họng mỗi ngày, ăn uống thể thao & đọc sách để nâng cao thể trạng.
Khi có vấn đề sức khoẻ thực sự cấp cứu như tai nạn, tai biến, nhồi máu cơ tim, lồng-tắc ruột… hãy đến viện lúc này, còn lại nếu có thể, xin hãy xin tư vấn từ xa với những người bạn bè làm trong y tế.
Sáng nay (26/3) trên đường đến viện, bác sĩ còn nhìn thấy rất nhiều người tụ tập vỉa hè café ăn sáng, khẩu trang không đeo, cười nói với nhau ở khoảng cách rất gần… Với nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng cao như hiện nay, chính bác sĩ hay chính anh chị hay người thân của chúng ta có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào trong thời điểm này, anh chị ạ. Chỉ những người làm ngành y mới thấy được sự nguy hiểm ở những con vi trùng bé nhỏ này.
Thủ tướng chính phủ khuyến cáo không nên tụ tập quá 20 người và chính quyền các cấp khuyến cáo hạn chế người dân ra ngoài. Còn cá nhân bác sĩ khuyên mọi người trong giai đoạn này không nên gặp người khác, chứ không tính đến chuyện tụ tập nếu đó không phải thành viên trong gia đình mình. Bác sĩ cũng khuyến khích chính quyền mạnh tay hơn nữa với những người không tuân thủ cách ly vì giai đoạn này là thời điểm sống còn của cuộc chiến, sự hời hợt của một người, của một địa phương có thể trả giá bằng cả hàng trăm hàng ngàn mạng người khi dịch bùng phát.
Mọi người dân đang đi từ một vùng khác về địa phương mới nên tự giác cách ly nghiêm túc nếu chính quyền địa phương khuyến cáo. Ngày hôm kia một người quen bác sĩ đi từ Phú Quốc về xóm nơi bà nội bác sĩ ở cũng đã tự giác đăng thông tin tự cách ly tại nhà 14 ngày, đó là điều mỗi người trong chúng ta nên ý thức được lúc này. Giai đoạn này về cơ bản, ai đang ở đâu nên ở đấy, tránh về quê hay đi đâu đó lúc này, giảm nguy cơ lây nhiễm ở vùng mới cũng như phức tạp thêm tình hình.
Chính quyền và mỗi người dân ở các địa phương hiện đang “âm tính” cũng nên chuẩn bị cho những tình huống bệnh dịch trong thời gian tới, vì giai đoạn ủ bệnh người dân đi về nhiều nhất và cũng là giai đoạn lây nhiễm cao nhất. Xin hãy hạn chế hội họp trực tiếp, tụ tập theo nhóm, gặp gỡ giao lưu… lúc này vì có thể mọi người đang ở trong giai đoạn… ”âm tính giả”.
Xin đừng đong đếm con số hữu hình về số người nhiễm mỗi ngày nữa (nó chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khủng khiếp), cũng xin đừng truy vấn lịch sử di chuyển, tiếp xúc của bất cứ bệnh nhân nào, việc đó chính quyền sẽ làm. Bác sĩ xin nhắc lại, mỗi chúng ta hãy tự cách ly bảo vệ gia đình mình cũng như cư xử với người mới tiếp xúc như thể người đó đang nhiễm bệnh, chỉ có vậy cộng đồng mới cắt đứt đường lây của bệnh truyền nhiễm.
Lúc này, khi tổ quốc cần, xin mỗi người hãy ở nhà & thực hành dự phòng lây nhiễm. Đã nhiều nước phải trả giá vì sự chậm trễ cách ly - phong toả, đất nước ta?